Thẩm định đề tài khoa học cấp cơ sở: “Đánh giá thực trạng hoạt động của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại một số tỉnh, thành phố”

Ngày 11/8/2015, tại Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Hội đồng Khoa học của Viện đã tiến hành họp thẩm định đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2015 về “Đánh giá thực trạng hoạt động của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại một số tỉnh, thành phố ” do ThS.Nguyễn Việt Hà, nghiên cứu viên Khoa Xã hội học y tế làm chủ nhiệm đề tài.

Tham dự cuộc họp thẩm định có TS. Trần Thị Mai Oanh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, TS.Trần Quý Tường – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, TS.Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cùng các Ủy viên Hội đồng, thành viên nhóm nghiên cứu và các nghiên cứu viên của Viện. TS.Trần Thị Mai Oanh – Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.
 Từ thế kỷ XX, mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới . Năm 1960, Y học gia đình ra đời ở Anh, Mỹ và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu.  Mô hình bác sĩ gia đình phát triển rộng rãi không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada mà còn ở các nước đang phát triển như Philippine, Malaysia, Cu Ba. Trong  đó mô hình bác sỹ gia đình ở Cu Ba được đánh giá là là mẫu hình ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, hoạt động bác sĩ gia đình bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TP.HCM với các mô hình khác nhau như trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình. Thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Do đó, ngày 22/3/2013 Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020” (Quyết định số 935/2013/QĐ-BYT) với  mục tiêu: Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện.
Sau hai năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay đã có 182 mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đã được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, bao gồm: hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập, phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường và phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân… tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Những mô hình này đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu giúp người dân chăm sóc sức khỏe toàn diện và phòng bệnh chủ động. Để mô hình thực sự đạt hiệu quả như mong đợi và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện của người dân cần phải xem xét toàn diện dưới các góc độ như cơ sở pháp lý, chương trình đào tạo, chức năng, nhiệm vụ của bác sĩ gia đình…
Nhằm cung cấp bằng chứng khoa học và thực tiễn cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của hoạt động mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tiến hành Đánh giá thực trạng hoạt động bác sĩ gia đình tại một số tỉnh, thành phố.
 

Tại cuộc họp, ThS. Nguyễn Việt Hà, chủ nhiệm đề tài trình bày đề cương nghiên cứu. Sau khi nghe phần trình bày của ThS. Nguyễn Việt Hà, các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài, ghi nhận những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, đồng thời cũng chỉ ra một số hạn chế về nội dung và yêu cầu nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung. Đề tài đã được Hội đồng thẩm định đề cương thông qua và sẽ được nhóm nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

Sản Phẩm Liên Quan